Giao thông Tứ_Xuyên

Cầu Bỉnh Thảo Cương (炳草岗大桥), bắc qua sông Kim Sa tại Phàn Chi Hoa

Do ảnh hưởng của địa hình, giao thông của Tứ Xuyên không có nhiều thuận lợi, người Trung Quốc có câu "Thục đạo nan" (蜀道难, tức đường đến Tứ Xuyên khó khăn). Kể từ thời cận đại đến nay, các ngành giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không, đường ống tại Tứ Xuyên liên tục được cải thiện. Tính quan trọng về vận chuyển hàng hóa của Tứ Xuyên thấp hơn vận chuyển hành khách.

Đường bộ

Đến cuối năm 2008, tổng chiều dài công lộ đã thông xe của Tứ Xuyên là 200.500 km, đứng đầu cả nước, song vì là tỉnh có diện tích lớn nên vẫn tụt hậu. Đến cuối năm 2007 thì Tứ Xuyên có 14.000 km đường cấp hai, năm 2008 có 2.162 km đường cao tốc. Một số tuyến đường cao tốc tại Tứ Xuyên là: Thành Đô-Trùng Khánh, Thành Đô-Miên Dương, Miên Dương-Quảng Nguyên, Thành Đô-Nam Sung, Thành Đô-Lạc Sơn, Thành Đô-Nhã An, Thành Đô-Đô Giang Yển, Thành-Ôn-Cung (quanh Thành Đô), Thành Đô-Bành Châu, vòng quanh Thành Đô, Đô Giang Yển-Mân Xuyên, Nội Giang-Nghi Tân, Nghi Tân-Thủy Phú (Vân Nam), Long Xương-Nạp Khê, Toại Ninh-Trùng Khánh, Nam Sung-Trùng Khánh (bộ phận của tuyến Lan Châu-Hải Khẩu), Nam Sung-Quảng An, Đạt Châu-Trùng Khánh, Nhã An-Tây Xương, Miên Dương-Toại Ninh, đường cao tốc Thành Miên, Thành Đô-Thập Phương-Miên Trúc. Đến cuối năm 2011, tỉnh Tứ Xuyên đã có 283.000 km công lộ, trong đó có 3.009 công lộ cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ là 19.700 km, công lộ nông thôn là 258.700 km. Năm 2011, hệ thống công lộ của tỉnh đã phục vụ vận chuyển được 2,426 tỉ lượt người và 1,998 tỉ tấn hàng hóa.[39]

Đường sắt

Năm 2011, tổng chiều dài đường sắt đã thông tuyến của Tứ Xuyên là 3.564 km, trong năm này, mạng lưới đường sắt Tứ Xuyên đã vận chuyển được 78,6 tỉ tấn.km hàng hóa và 2.95 tỉ người.km hành khách. Tuy nhiên, mật độ đường sắt của Tứ Xuyên so với cả nước là rất thấp. Các tuyến đường sắt đi trên địa phận Tứ Xuyên là Bảo Kê-Thành Đô, Thành Đô-Trùng Khánh, Thành Đô-Côn Minh, Nội Giang-Côn Minh, Đạt Châu-Thành Đô, Toại Ninh-Trùng Khánh. Cục Đường sắt Thành Đô quản lý mạng lưới đường sắt quốc hữu và hợp doanh tại Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Quý Châu. Một số tuyến đường khác đã và đang trong quá trình thi công là Thành Đô-Miên Dương-Lạc Sơn, Thành Đô-Trùng Khánh, Thành Đô-Lan Châu, Lan Châu-Trùng Khánh, Thành Đô-Quý Dương, Tứ Xuyên-Thanh Hải, Tứ Xuyên-Tây Tạng, Tây An-Thành Đô cùng các tuyến đường khác.[47]

Hàng không

Nhà ga thứ hai của sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô (trong ảnh đang trong thời gian xây dựng)

Các sân bay có các tuyến bay hành không dân dụng định kỳ tại Tứ Xuyên bao gồm Sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô, sân bay Cửu Trại Hoàng Long, sân bay Thanh Sơn Tây Xương, sân bay Nam Giao Miên Dương, sân bay Bảo An Doanh Phàn Chi Hoa, sân bay Thái Bá Nghi Tân, sân bay Lam Điền Lô Châu, sân bay Hà Thị Đạt Châu, sân bay Nam Bình Cao Sung, sân bay Khang Định, sân bay Bàn Long Quảng Nguyên. Năm 2009, sân bay Song Lưu Thành Đô đã sử dụng đường băng thứ hai.[48] Thành Đô cũng là thành phố có sân bay với hai đường băng thứ 4 tại Trung Quốc đại lục sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.[49] Hiện nay, tại Thành Đô có trụ sở của chi nhánh Tây Nam thuộc Air China, cùng Sichuan Airlines, và Chengdu Airlines, ba công ty này đặt sân bay căn cứ tại sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô. Năm 2011, Tứ Xuyên có 31 tuyến bay hàng không, trong đó có 10 tuyến bay quốc tế. Năm 2011, các sân bay của tỉnh đã phục vụ được trên 33 triệu lượt hành khách, lượng hàng hóa vận chuyển là 494.000 tấn.

Đường thủy

Tứ Xuyên có cả vạn km tuyến đường thủy nội địa, trong đó các tuyến cấp 3 đến cấp 7 có tổng chiều dài 4.026 km (năm 2006). Sáu cảng sông một năm vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa, Đoạn Trường Giang tại Tứ Xuyên là tuyến thông hành cấp 3, còn các sông Gia Lăng và sông Dân được liệt là một trong 10 tuyến đường thủy cấp cao tại Trung Quốc. Tứ Xuyên cũng tiến hành quy mô hóa, chuyên sâu hóa và hiện đại hóa các cụm cảng Lô Châu-Nghi Tân-Lạc Sơn ở Xuyên Nam và Quảng An-Nam Sung-Quảng Nguyên ở Đông Bắc. Năm 2011, tổng lượng hàng hóa thông quan tại các cảng sông của Tứ Xuyên là 70,75 triệu tấn, và vận chuyển được 30,83 triệu lượt người.[39]

Đường ống

Tứ Xuyên là tỉnh phát triển mạng lưới vận chuyển đường ống lớn nhất tại Trung Quốc. Tại Tứ Xuyên, mạng đường ống vận chuyển khí thiên nhiên đã được xây dựng từ năm 1243, sớm hơn gần 500 năm so với các tỉnh khác. Từ thời Tống, người dân Tứ Xuyên đã biết dùng các ống tre trúc để vận chuyển khí thiên nhiên, các đường ống dẫn khí bằng thép bắt đầu được sử dụng từ năm 1933. Từ thập niên 1950, các đường ống dẫn khí đã đưa khí thiên nhiên đến các thành thị dọc tuyến Thành Đô-Trùng Khánh. Đến đầu năm 2008, Tứ Xuyên đã có 7.000 km đường ống thu khí và 6.000 km đường ống dẫn khí, chiều dài toàn mạng lưới đường ống dẫn khí thiên nhiên của Tứ Xuyên chiếm 46% toàn Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tứ_Xuyên http://59.252.131.7:800/cncaweb/info/7253.html;jse... http://61.157.76.150/ldjh/ldjh-content.asp?id=52&l... http://books.google.com.au/books?id=04QiOlNKQGEC http://app1.chinadaily.com.cn/star/2002/0411/cn8-3... http://focus.scol.com.cn/zgsz/20031226/20031226165... http://finance.sina.com.cn/roll/20081113/055525124... http://vietnamese.cri.cn/chinaabc/chapter16/chapte... http://www.sc.gov.cn/scgk1/sq/dl/200905/t20090514_... http://www.sichuan.gov.cn/ http://www.stats.gov.cn/english/statisticaldata/ye...